Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long, đã chia sẻ con đường trở thành thương hiệu lớn của Thiên Long, với triết lý lấy sức mạnh tri thức làm nền tảng.
Ngày đăng: 08-10-2013
2621 lượt xem
Đã 5 năm sau khủng hoảng tài chính thế giới, thảm họa kinh tế mà sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers (tháng 9.2008) khơi mào dường như chỉ còn là một ký ức xa vời.
Mỹ đã thoát khỏi thời kỳ suy thoái và tăng trưởng đang quay trở lại. Các ngân hàng Mỹ đang tạo ra mức lợi nhuận kỷ lục. Các quy định tài chính mới theo đạo luật Dodd-Frank đã góp phần giúp cho hệ thống tài chính Mỹ trở nên an toàn hơn.
Nỗ lực tái cấu trúc hệ thống tài chính của Mỹ có nghĩa là một thảm họa tương tự 5 năm trước sẽ không diễn ra?
Câu trả lời của các chuyên gia kinh tế hàng đầu là hoàn toàn có thể. Bởi lẽ, ngành ngân hàng vẫn phức tạp và liên thông chặt chẽ với các thị trường tài chính toàn cầu. Các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ vẫn phình to ra, thậm chí với quy mô lớn hơn và quyền lực còn hơn cả trước thời kỳ khủng hoảng. Và mặc cho sự xuất hiện của đạo luật cải cách Dodd-Frank, họ vẫn tự do đánh cược hàng tỉ USD vào các chứng khoán phái sinh rủi ro trên khắp thế giới, vốn là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Một cuộc khủng hoảng tại châu Âu, chẳng hạn, vẫn có thể xóa sổ một tổ chức tài chính Mỹ, gây ra cơn sốc toàn cầu. Các chuyên gia đã chỉ ra những góc khuất nguy hiểm mà nhiều người có thể chưa nhìn thấy.
Vẫn là mối lo “Quá lớn không thể sụp đổ”
Liên tiếp các vụ bê bối tài chính diễn ra trong hơn 1 năm qua - từ vụ bê bối giao dịch London Whale khiến JPMorgan Chase lỗ 7 tỉ USD cho đến vụ thao túng lãi suất Libor liên quan đến nhiều ngân hàng trên khắp thế giới - đã chứng minh một điều: những rắc rối tại các tổ chức tài chính lớn vẫn có thể tác động đến nền kinh tế. Thế nhưng, Phố Wall vẫn cứ bình chân như vại.
Một ngân hàng đơn giản hơn thì sẽ an toàn hơn. Tuy nhiên, các định chế tài chính Mỹ đã bỏ ra hàng triệu USD để vận động hành lang chống lại nỗ lực của các nhà làm chính sách trong việc giảm quy mô và sự phức tạp trong hoạt động ngân hàng. Nhờ vậy, đến nay, chỉ có 40% các quy định mới của đạo luật cải cách Dodd-Frank (đạo luật đưa ra lộ trình giảm quy mô của các ngân hàng Mỹ) được ban hành. Các ngân hàng đã chống đối kịch liệt các quy định mới là chuyện dễ hiểu. Vì chúng có thể sẽ yêu cầu họ phải tập trung vào việc cho các doanh nghiệp vay để tạo ra việc làm, hơn là chạy theo hoạt động tự doanh.
Nassim Nicholas Taleb, tác giả cuốn sách về quản lý rủi ro The Black Swan (Thiên Nga Đen) và ông Anat Admati, Giáo sư tài chính Đại học Stanford, cho rằng các ngân hàng hoàn toàn có thể xoay chuyển dữ liệu để vượt qua các cuộc kiểm tra sức khỏe của Chính phủ.
Để giải quyết vấn đề này, theo Sheila Bair, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), cần phải tách bạch hoạt động cho vay thương mại được Chính phủ bảo hiểm với các hoạt động giao dịch đầy rủi ro. Thế nhưng, quy định này vẫn chưa được thành văn và có thể sẽ chưa được thực hiện trong nhiều năm tới.
Đòn bẩy tài chính quá lớn
Khi đánh giá mức độ rủi ro của một ngân hàng, một chỉ số quan trọng được xem xét là tỉ lệ đòn bẩy tài chính. Chỉ số này thấp có thể khiến ngân hàng bị bó giò trong hoạt động vì hạn hẹp nguồn vốn, nhưng chỉ số cao có nghĩa ngân hàng có thể không trả được nợ khi đến hạn.
Kể từ cuộc khủng hoảng, một số các ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã huy động được số vốn lớn để bù đắp rủi ro này, nhờ đó tỉ lệ đòn bẩy tài chính đã giảm nhẹ. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn chưa ở mức đủ để được xem là an toàn. Khi các ngân hàng vay nhiều, điều đó sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế một khi tình hình thị trường diễn biến xấu. “Thật là vô trách nhiệm nếu chúng ta không làm nhiều hơn để hạn chế đòn bẩy tài chính”, ông Alan Blinder, nguyên Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nhận xét.
Một số chuyên gia cho rằng hạn chế đòn bẩy tài chính sẽ khiến các ngân hàng khó có thể cho vay nhiều hơn. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch FDIC Thomas Hoenig cho rằng đó là lý luận sai lầm. “Cho dù tỉ lệ đòn bẩy tài chính cao có thực sự làm tăng được cho vay thì cái giá phải trả là các ngân hàng lớn và nền kinh tế càng dễ bị tổn thương trước các cú sốc”, ông nói.
Mối họa từ chứng khoán phái sinh
Tỉ phú Warren Buffett từng ví von chứng khoán phái sinh là vũ khí tài chính hủy diệt hàng loạt, vì cách chúng khiến cho các rủi ro nhỏ nhân lên gấp nhiều lần và lan tràn khắp cả hệ thống tài chính toàn cầu.
Vì mối nguy này mà ông Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Giao dịch Hàng hóa kỳ hạn Mỹ (CFTC), đã đấu tranh để Mỹ đưa ra các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn đối với chứng khoán phái sinh, đưa xấp xỉ phân nửa thị trường hoán đổi lãi suất (tâm điểm của cuộc khủng hoảng năm 2008) ra khỏi bóng tối. CFTC cũng đã có được tiến bộ lớn trong việc báo cáo và đăng ký theo thời gian thực của các công ty môi giới chứng khoán.
Tuy nhiên, đó là một hành trình cam go. Nhờ tích cực vận động hành lang, Phố Wall đã thành công trong việc tạo ra các lỗ hổng quan trọng trong luật Dodd-Frank về chứng khoán phái sinh.
Ai sẽ cho vay?
Hoạt động ngân hàng Mỹ đã trở nên quá phức tạp, vượt xa khỏi mô hình kinh doanh truyền thống: cho cá nhân và doanh nghiệp vay. Các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ giờ chiếm một tỉ lệ phần trăm GDP lớn hơn so với trước thời kỳ khủng hoảng. Tuy vậy, việc tiếp cận vốn của các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ thì vẫn khó khăn, trong khi đây chính là khu vực tạo ra phần lớn số việc làm mới cho nền kinh tế. Đó là lý do đến nay tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn dưới mức gọi là phục hồi bền vững.
Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính, người Mỹ được bảo rằng cần phải bôi trơn cho các cỗ máy ngân hàng (qua việc giải cứu chúng) để giữ cho nền kinh tế không bị trật đường ray. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Các nghiên cứu cho thấy khi ngành tài chính đã tăng trưởng lên mức chiếm tỉ lệ lớn hơn của nền kinh tế trong 30 năm qua khiến cho tốc độ tạo ra doanh nghiệp mới đã bị chững lại. Các ngân hàng được cứu trợ tài chính đã thoát khỏi nguy cơ phá sản, còn nền kinh tế thì vẫn cứ xập xình.
James Galbraith, Giáo sư Đại học Texas và chuyên gia về khủng hoảng tài chính, lo ngại trong thời đại ngân hàng toàn cầu và giao dịch tần số cao, cho vay ra nền kinh tế đã trở thành một mô hình ngày càng kém hấp dẫn. “Như chuyên gia kinh tế Hyman Minsky từng nói: “Nếu bạn muốn doanh nghiệp nhỏ, bạn cần ngân hàng nhỏ hơn””, Galbraith cho biết. Nhưng đó là điều nền kinh tế Mỹ khó có thể có được trong một sớm một chiều.
Gửi bình luận của bạn